Đến thành phố biển Nha Trang, bạn không thể không đến thăm khu Tháp Bà Ponagar – một trong những di tích lịch sử và văn hoá (đã được nhà nước xếp hạng) nổi tiếng nơi đây. Tháp bà Ponagar là một quần thể tháp với lối kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm, được xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ Cù Lao, nằm sát tả ngạn sông Cái Nha Trang.
Theo truyền thuyết, ngày xưa tại núi Đại An (Đại Điển) có hai vợ chồng tiều phu đến cất nhà và làm rẫy trồng dưa nơi triền núi. Suốt một thời gian dài, hễ trái dưa nào chín tới đều bị mất. Ông lão rình và một hôm bắt gặp một cô bé khoảng 9-10 tuổi hái dưa rồi chơi đùa dưới trăng. Thấy cô bé dễ thương, ông bèn đem về nuôi và thương yêu như con ruột.
Hôm đó, trời mưa to gió lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, cô bé lấy đá chất thành ba hòn dã sơn và hái hoa lá cắm vào rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông tiều lớn tiếng rầy la. Không ngờ cô bé là tiên giáng trần buồn nhớ cảnh bồng lai. Đang buồn lại chợt nhìn thấy một khúc kỳ nam theo nước trôi đến, thiều nữ bèn hiến thân vào khúc kỳ nam cho sóng đưa đẩy.
Khúc Kỳ Nam trôi ra biển rồi tấp vào nơi gần cung đình, hương toả ngào ngạt. Người dân trong vùnglấy làm lạ kéo đến xem. Thấy gỗ tốt, họ bèn xúm vào khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không khiêng nổi. Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn bèn tìm đến xem hư thực và giơ tay nhấc thử. Thật kỳ lạ khi khúc gỗ bỗng nhẹ như tờ giấy, chàng liền đem về cung và nâng niu như báu vật.
Một đêm, dưới ánh trăng mờ, thái tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc Kỳ Nam, nhưng lại gần xem thì tứ bề vắng vẻ, chỉ phảng phất mùi hương từ khúc kỳ nam bay ra. Những đêm sau đó, thái tử vẫn tiếp tục theo dõi…
Rồi một đêm, chàng thấy từ trong khúc Kỳ Nam bước ra một giai nhan tuyệt sắc. Chàng vụt chạy đến, ôm choàng lấy giai nhân. Không biến kịp vào khúc Kỳ Nam, giai nhân đành theo thái tử về cung và cho biết tên là Thiên Y Ana. Thái tử thấy nàng Ana xinh đẹp khác thường bèn tâu phụ hoàng xin cưới làm vợ. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc, sinh được hai con – một trai một gái, dung mạo khôi ngô tuấn tú. Một hôm, nỗi nhớ quê hương thúc giục, Thiên Y bế hai con nhập vào kỳ nam trở về làng cũ.
Núi Đại An còn đó, nhưng vợ chồng ông tiều phu đã về cõi âm. Thiên Y xây đắp mồ mả cho cha mẹ nuôi và sửa sang nhà của để phụng tự. Thấy nhân dân địa phương còn lạc hậu, bà dạy cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra các lễ nghi…
Từ đó, ruộng nương luôn tươi tốt, đời sống nhân dân mỗi ngày một thêm phong lưu. Đến một ngày, có con chim hạc từ trên mây bay xuống, Thiên Y cùng hai con cưỡi hạc bay về trời… Nhân dân nhớ ơn bà đã xây tháp tạc tượng thờ phụng, và mỗi năm vào ngày 23/3 Âm lịch đều làm lễ dâng hoa.
Truyền thuyết đã khép lại từ rất lâu rồi, chỉ còn lại đây những suy tư hoài vọng của những người vãn cảnh. Ngồi bên tháp, gió từ tả ngạn sông Cái Nha Trang thổi vào lòng lộng, xua tan đi những ý nghĩ mơ hồ để trở về với Tháp Bà. Chiếc cầu Bông xinh đẹp vẫn đang ngày ngày nhìn những dòng nước chảy và vẫn luôn dõi theo từng thay đổi của thời gian. Cạnh đó là xóm Cồn, xóm Bóng thơ mộng đã đi vào thơ ca nhiều thế hệ.
Ðến thăm Tháp Bà Nha Trang, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tâm linh, du khách còn có dịp thưởng thức những vũ điệu Chăm-pa do đội múa dân tộc Chăm biểu diễn. Những vũ điệu Chăm-pa làm đắm say du khách, tạo cho họ ấn tượng đẹp khi đến với nơi tôn kính này.