Khi những cơn mưa đầu hạ bắt đầu lâm râm, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những cây trâm chín rộ, cho trái căng mọng ở một góc trời. Rồi chợt nhớ đến câu đồng giao“Trời mưa lâm râm, cây trâm có trái, con gái có duyên…”, bất giác lòng tôi nhớ quê da diết…
Là món quà do thiên nhiên ban tặng, cây trâm mọc nhiều ở vùng đất núi. Cây có thân hình cao to và nhiều cành, sinh trưởng và phát triển tự nhiên khoảng vài năm thì cho trái. Thông thường mỗi năm cây trâm ra bông vào đầu mùa hè, rồi đậu kết trái thành từng chùm, khi chín trái có màu tím, to gần bằng đầu ngón tay.
Không cần tốn công chăm sóc, vào mùa chín rộ, nhà nào có cây trâm chỉ cần leo lên cây hái từng chùm hoặc căn lưới bên dưới gốc, rồi dùng cây chọc chọc cho trái rơi xuống.
Trái trâm mới vừa hái xuống ăn ngọt lịm pha lẫn vị chua chan chát có mùi thơm dịu. Trái trâm có thể ăn nguyên chất, nhưng nhiều người rất thích trộn trâm với muối ớt giã nhỏ, ăn rất hấp dẫn.
— — — — — — — — —
Ngày nay, trái trâm không chỉ là một loại trái dân dã bình thường mà còn có chứa nhiều chất anthocyanine, giàu chất vitamin A và giàu vitamin C, giúp tiêu hóa tốt, hạ thấp đường huyết, trị tiêu chảy, giảm kích thích thần kinh dạ dày và thần kinh trung ương, hạn chế tiết dịch vị, chữa ợ chua, viêm dạ dày…Lá trâm mốc chứa nhiều tanin dễ tiêu và được dùng nấu nước uống như trà, có lợi cho bệnh nhân tiểu đường… (theo DS. MỸ NỮ/nongnghiep.vn)


Nguồn: nguoikhanhhoa.vn